Táo bón khi mang thai và nguy cơ làm tổn hại cho thai nhi
Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp của các chị em khi mang thai. Vấn đề này có thể do tình trạng sinh hoạt ít vận động, chế độ ăn uống không đầy đủ hoặc các bệnh lý khác. Trường hợp táo bón nặng, nếu ra sức rặn, mẹ bầu có thể đối mặt với nguy cơ bị sảy thai.
Lý giải về điều này, các bác sĩ cho biết việc dùng sức rặn sẽ tạo áp lực trong bụng, từ đó tác động đến tử cung chứa thai nhi. Và những động tác gắng sức kéo dài sẽ làm cơ thể mẹ bầu mệt mỏi, ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé. Không những vậy, rặn quá sức có thể gây nứt hậu môn, tăng nguy cơ bị trĩ và ung thư đại tràng cao.
Để ngăn ngừa, cải thiện tình trạng táo bón, các mẹ bầu cần lưu ý:
– Thiết lập chế độ ăn uống lành mạnh, tăng thành phần chất xơ, thức ăn thô hòa tan và không hòa tan. Số lượng chất xơ được khuyến cáo hiện nay là 25 – 28 gram/ngày, mẹ bầu nên tăng cường ăn khoai tây, bí ngô, cà rốt…
– Uống nhiều nước, đảm bảo lượng nước cung cấp vào cơ thể mỗi ngày từ 2,5 – 3 lít.
– Vận động nhẹ nhàng: khi mang thai, các chị em cần vận động nhẹ nhàng với các bộ môn thể dục như bơi lội, yoga… dưới sự hướng dẫn của huấn luyện viên nhằm đảm bảo an toàn.
– Giảm liều lượng canxi và bổ sung sắt: việc hấp thu lượng khoáng chất quá nhiều sẽ là gánh nặng cho đường ruột, làm tăng nguy cơ bị táo bón. Do đó, mẹ bầu chỉ cần đảm bảo hàm lượng vào cơ thể vừa đủ theo chỉ định của bác sĩ, nên chia nhỏ uống trong ngày với nhiều nước. Để cơ thể hấp thu dễ dàng hơn, tránh kích ứng đường ruột, mẹ bầu nên chọn viên sắt hữu cơ.
– Khi chiên xào món ăn, mẹ bầu có thể dùng thêm dầu ô liu để các món này thấm ít dầu, vì dầu ăn vốn không tốt cho sức khỏe dạ dày.
Trường hợp bị táo bón nặng, mẹ bầu có thể tham khảo một số loại thuốc như: thuốc làm mềm phân, các dung dịch thụt, tháo và nhét hậu môn hoặc các loại dầu bôi trơn… Điều này bắt buộc phải có sự tham khảo ý kiến cũng như giám sát, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sản nhằm đảm bảo an toàn.